Vào khoảng trung tuần tháng 8 năm nay, tôi được dịp ghé Sàigòn cùng với một vài người bạn xứ Kangaroo. Có i-meo với thầy Trần Thành Minh từ trước nên tôi biết số điện thoại thầy, và tìm cách vào trường gặp thầy vào đúng 11giờ một buổi sáng mùa Hè, học trò đều đang nghỉ bãi trường.
Thật ra thầy Minh đã về hưu 7-8 năm nay, nhưng thỉnh thoảng vẫn vào trường như một thói quen trong đời sống một người đã từng gắn bó với trường trong suốt trên 40 năm qua. Thầy Minh học ở trường này từ nhỏ, luôn cho tới khi 'tốt nghiệp' với bằng 'Bac II' bộ môn Toán, cùng với một bà chị của tôi. Nhìn chung quanh ngày nay, nói theo Kim Dung, có lẽ Thầy đã thuộc loại Trưởng Lão có nhiều túi nhất, lâu năm nhất của 'Bang' Petrus Ký.
Tôi trở lại thăm viếng trường và Thầy Minh bằng phương tiện...cuốc bộ.
Trong những lần thăm viếng Việt Nam gần đây, tôi tập được thú đam mê mới là cuốc bộ xuyên thành phố, quan sát sinh hoạt hằng ngày của người địa phương. Thích thú, một phần lớn nhờ ở việc khám phá ra cách thức băng qua đường lộ nhiều xe cộ ở Thành phố, khá an toàn. Trong chuyến đi kỳ rồi, tôi cũng 'phát hiện' những người du khách Tây Phương, đều có vẻ biết rõ cách thức qua đường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 92005, chỉ sau một đôi ngày đặt chân đến Việt Nam. Đại khái, đường ta, ta cứ băng, nhưng cặp mắt luôn luôn nên đảo qua đảo lại hai phía. Đặc biệt giữ vững đều đều tốc độ bước của hai chân. Tránh chạy gấp, theo như lời căn dặn của một anh lái taxi. Tức lúc băng qua đường lộ ở các thành phố, hay đô thị tại Việt Nam, ta nên quên đi bài học Vật Lý năm nào về 'gia tốc':
X= 1/2 at2+vt+xo
Trong đó X chỉ khoảng đường đã đi qua; xo, vị trí khởi hành; 't' chỉ thời gian, 'v' vận tốc ban đầu, và 'a' gia tốc. Cũng có thể quên luôn bài học về chuyển động hình 'sin', chuyển động tròn với sức ly tâm, mà chỉ cần nhớ đến định nghĩa toán học về hai đường song song, là hai đường chỉ gặp nhau ở vô cực mà thôi. Tức, con đường ngắn nhất từ lề đường bên này đến lề đường bên kia, nằm song song, chính là đường băng, thẳng góc với cả hai lề đường đó. Định nghĩa về hai đường song song trong toán học, cũng cho biết, nếu muốn tránh băng qua đường lộ, người ta chỉ có nước đi dọc theo lề đường cho đến tận vô cực thì mới gặp được lề đường bên kia.
Nhắc đến chuyện băng qua đường, tôi nhớ có lần, đâu vào cuối năm 1999, sau nhiều năm không đi Việt Nam, tôi rất sợ không dám băng qua đường. Cứ chần chừ một lúc rất lâu, rồi cuối cùng chạy theo một vị cứu tinh nào đó, vừa bắt đầu băng qua đường từ một chỗ gần mình. Vượt qua được sợ hãi khi băng qua đường lộ đầy xe gắn máy, xe đạp và bây giờ có cả khá nhiều xe hơi, tôi xem như một tiến bộ vượt bực về 'kỹ năng đi bộ', y như hồi nhỏ, rất vui mừng khi tập đi được xe đạp.
Chuyện đáng kể nhất liên hệ đến việc đi bộ trong thành phố, là bây giờ ở Việt Nam, nhất là Sàigòn, người ta rất ưa chuộng ra đường đi bộ nhanh để vận động cho thân thể được tráng kiện. Giống y như tại các đô thị Tây phương. Khoảng tờ mờ sáng, 5-6 giờ, ngoài đường phố đã có người đi bộ thể dục rồi. Những tụ điểm chính như bến Bạch Đằng bên sông Sàigòn, Sở Thú, vườn Tao Đàn và các công viên lớn, các đại lộ dài như Trần Hưng Đạo, luôn luôn có người đi bộ, tập thể dục cho khoẻ. Tại công viên Tao Đàn, mỗi sáng đám đông tập thể dục, hay đi bộ có thể lên đến 2-3 ngàn người dễ dàng. Có người đi xe Honda từ những khu vực khác đến đó. Đậu và khóa xe gần đâu đó, rồi gia nhập đám đông, đi bộ hay tập thể dục chừng một giờ, xong rồi lên xe chạy về nhà chuẩn bị đi làm. Cũng tại Tao Đàn, có đủ thứ kiểu thể dục, từ Thái Cực quyền đến Khí Công, Kung Fu, hoặc múa kiếm Ỷ Thiên theo trường phái Nga Mi. Từ chuyện tập thể thao nhịp nhàng theo âm nhạc (radio, cat-xét có phóng thanh) cho đến việc tập dượt đánh vũ cầu badminton, để chuẩn bị tham gia Olympic kỳ tới ở Bắc Kinh. Vũ cầu cũng rất phổ biến ở bến Bạch Đằng, và có thể để ý người địa phương rất hiếu khách, đặc biệt đối với người Tây phương, hoặc các Việt kiều hâm mộ môn thể thao nhẹ nhàng này. Tức nếu du khách muốn tham gia quất vài chiếc cầu lông cho vui, họ rất sẵn sàng ô-kê.
Sau khi tản bộ qua Tao Đàn, du khách có thể ghé ngang khu phố chuyên bán đồ điện tử và máy điện toán, phần cứng lẫn mềm, giá hạ ở khu đường Tôn Thất Tùng, gần đường Bùi Thị Xuân, trước khi lân la ở các tiệm bán sách cũ ở đường Hồng Thập Tự (cũ). Phố xá rất tấp nập, người đi kẻ lại, buôn bán tưng bừng. Điểm đáng chú ý, bây giờ phố xá tại Sàigòn có khuynh hướng tập trung những cửa hàng bán buôn một thứ hàng hoá, lại gần với nhau. Thí dụ, khu bán kính (gương) tập trung chung quanh các đường phố cạnh trường đại học kinh tế, tức luật khoa cũ. Kim hoàn, nữ trang tại đường Lê Lợi kéo đến thương xá TAX. Bán phim ảnh Hollywood in trên đĩa DVD tại Chợ Cũ Sàigòn gần đường Nguyễn Huệ. Làm móng tay, rất phổ biến ở Mỹ, hiện đã đổ bộ cào bấm vào đất Sàigòn, khu đường Lê Thánh Tôn. Ở vấn đề ẩm thực, khu vực gần trường Marie Curie bây giờ có rất nhiều tiệm ăn đặc sản. Bình dân thì có đoạn đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ), gần rạp Nam Quang, chuyên trị món 'bột chiên'. Đặc biệt, Sàigòn hiện nay có rất nhiều cửa hàng ăn uống, với đầu bếp người Ý, người Đức, Anh, Pháp, chính hiệu rất hợp với tiêu chuẩn hàng ăn các thành phố lớn Tây phương. Đáng kể một tiệm chuyên bán cà-fê rất sành điệu theo kiểu Ý, như macchiato, espresso, cappuccino, v.v. mà chính một ông bạn đồng hành người Úc rất khó tính, đã nhìn nhận, có thể hơn cả khu Leichhardt của dân Ý tại Sydney, hay Carlton ở Melbourne. Chính ông này, trong một chuyến đi trước, tôi nghe nói, đã vào một tiệm cà-phê kia, xin phép chủ tiệm cho ông ta tự tay xử dụng máy để pha cho ông một tách cà-phê theo ý muốn. Trước đó, có người địa phương mời ông ta đến thử cà-phê Trung Nguyên, trong đó có món cà-phê cứt chồn, nhưng rốt cuộc ông ta từ chối không chịu nếm thử Trung Nguyên. Tiệm cà-phê chính hiệu kiểu Ý ông ta phát hiện và chỉ cho bạn bè là một tiệm càphê rất sang, gần khách sạn Caravelle bên hông nhà hát Thành phố, tức quốc hội (cũ). Một tách cappuccino ở đó giá gần bằng Sydney, khoảng $2.50.
Hình chụp thầy Minh đứng trước dãy lớp
phía bên phải, gần phòng Hiệu Trưởng
Nhắc đến nhà hát thành phố mà không nhắc đến một buổi sáng Chúa Nhật thú vị trong chuyến đi này. Đó là được dịp dừng lại nghe dàn nhạc, hình như của Hải quân, kèn trống đầy đủ, trình tấu những bản nhạc hay thời tiền chiến, ở ngay trước cửa nhà hát lớn. Đối diện tiệm ăn 'đồ Tây' Givral. Y hệt như ở các thành phố Tây phương vào dịp Giáng Sinh hay những ngày lễ lớn. Cả hai bản tôi rất thích: 'Sơn nữ Ca' và 'Ai về sông Tương', đều được trình tấu vào dịp này. Khách du lịch, người địa phương dừng xe đạp, xe gắn máy, đứng lại xem dàn nhạc hoà tấu mệt nghỉ, không tốn một đồng xu.
Trở lại chuyện thăm trường cũ. Trong lúc đi bộ ngang đường Cao Thắng, tự nhiên, tôi chợt nhớ đến một bài học trong 'Quốc Văn Giáo Khoa Thư', sách giáo khoa cấp tiểu học ở thế hệ chúng tôi, thời tiền chiến và hậu chiến một chút ít. Đó là chuyện ông quan người Pháp tên Carnot về thăm trường cũ. Gặp thầy cũ, ông hỏi: 'Thầy còn nhớ tôi không?'. Hồi nhỏ chúng tôi rất ấn tượng về câu chuyện này. Nhưng hôm ấy trên quãng đường đi bộ dọc theo con đường dẫn đến trường cũ, tôi chợt thấy một chút ít hậu quả tiêu cực, âm hưởng, câu chuyện thăm trường xưa của ông Carnot. Đó là câu chuyện có vẻ vô tình đề cao chuyện thăm viếng trường xưa, thăm Thầy cũ của những vị đã thành danh, làm quan làm tướng trong xã hội, tiêu biểu bằng Mông-xừ Carnot. Tức nếu học trò không trở thành một 'danh nhân' thì chuyện thăm trường hay thầy cũ không đáng nói tới. Rất nhiều cựu học sinh ở tại bất cứ trường học nào trên thế giới thường không hề trở lại thăm trường hay thăm thầy cũ, có lẽ cũng bởi ở định kiến xã hội chỉ vinh danh những người thật ra không cần vinh danh, bởi họ đã thành danh đàng hoàng rồi. Ngày nay, nếu được viết lại câu chuyện ông Carnot, có lẽ có người sẽ ghi rõ ngoài tên ông Carnot, còn luôn tên họ ông Thầy cũ của Carnot nữa. Làm như vậy có lẽ sẽ có nhiều trò cũ trở về trường thăm viếng trường và Thầy Cô ngày trước hơn. Tôi để ý đến vấn đề có vẻ lẩm cẩm này một phần cũng bởi có lần đi tìm thăm một người bạn Trung học xưa, vẫn còn cư ngụ tại căn nhà năm xưa gần ngã 6 Chợlớn, anh có cho biết từ hồi xong Tú Tài đến nay, anh chưa bao giờ trở lại thăm trường mặc dù có thể anh đi qua đi lại nơi đó hằng ngày trong suốt hơn 40 năm qua.
Từ đường Cao Thắng chỗ Hội Chữ Thập Đỏ - nơi, hồi còn nhỏ có lần tôi đến chen chúc nhận thùng quà CARE của viện trợ Hoa Kỳ - đến khu trường xưa, ngày nay là một khu tập trung các tiệm bán sách cũ. Có đến chừng một chục tiệm sách nhỏ, chuyên bán sách báo cũ và một tiệm sách (mới) rất lớn, có lẽ thiết lập để phục vụ học sinh và giáo chức khu vực học đường và đại học ở đường Nguyễn Văn Cừ (Cộng Hoà / Nancy cũ). Khu hàng sách 'solde' này chỉ là một trong chừng một chục tụ điểm bán sách cũ chung quanh thành phố. Tôi ghé vào một vài tiệm chọn lựa một số sách rồi ghi nhớ tên tiệm để lát nữa sau khi thăm trường xong, sẽ trở lại mua. Ở khu ngã 7, trước khi đến trường cũng là một khu hết sức tấp nập, bao gồm các thứ cửa hàng đủ loại. Từ cửa hàng bán đồ vật dụng xây dựng, đến hàng thịt chưng bày nhiều con thỏ hay thú rừng đã lột da. Ở công viên phía bên các tiệm sách cũ, có một nhà tiểu tiện công cộng rất sạch sẽ và khang trang. Vào ra nên lì xì tùy hỉ, thường chừng 1000 đồng, gần 10 cents Úc. Tại đầu đường, trước khi băng qua đường để đến trường là một nhà hàng thật lớn xây cất gần xong. Có lẽ dùng để thu hút khách đặt tiệc cưới. Một thứ dịch vụ có nhiều nhu cầu và đang lên tại một thành phố hết sức đông đúc.
Ở góc đường đối diện với công viên Đại Hàn, bắt đầu khuôn viên của trường, có hai quán ăn khá lớn. Một hiệu mang tên Thủy Tiên, với mặt bằng thuê lại từ nhà của một cán bộ Sở Giáo Dục ( trước 75 là nhà Ông Vũ Đức Chang, giám đốc nha tư thục cũ), một hiệu kế bên mang tên “Hưong” với mặt bằng thuê lại từ nhà thầy Nguyễn Văn Thiện, thầy dạy Việt văn chúng tôi lớp Đệ Thất năm xưa. Đệ Thất ngày trước là lớp 6 cấp trung học ngày nay. Từ từ bước đến cổng chính, tôi ghé vào trạm gác hỏi muốn gặp thầy Minh, người trực cho biết mới nghe thầy Minh dặn đang chờ tôi, nhưng không biết hiện thầy đi đâu. Tôi nhìn vào đồng hồ đeo tay, và biết mình trễ chừng 3 phút. Cả một kỷ lục đối với người có thói quen đi trễ về sớm như tôi. Tôi kéo chiếc điện thoại di động ra, dùng SIM-card địa phương, gọi ngay số của thầy Minh, vừa gọi vừa quay người thì đã nhận ra thầy đã đứng gần đó, gần dãy văn phòng dẫn đến phòng họp các thầy cô, phía bên tay trái trường, ngoài nhìn vô. Tôi cúp điện thoại vui mừng chạy tới ôm chầm lấy thầy.
Thầy Minh cũng đã vào tuổi lão, nhưng tóc trắng thật ra thua xa học trò cũ. Ông tóm tắt cho biết đã về hưu khá lâu, nhưng vẫn nặng nợ với trường xưa, trong công tác ở văn phòng liên lạc. Anh Trung, bạn cùng thời với chúng tôi năm xưa, ban 'A' và Pháp văn, sau về dạy môn Sử Địa ở trường, gần đây cũng đã về hưu. Thầy Minh dẫn tôi đến văn phòng liên lạc, đối diện với đường cái gần cổng xe đạp vào ra của học trò năm xưa. Phòng có trang bị một hai máy điện toán, và rất nhiều hình ảnh bích báo của các cựu học sinh. Gần đây, nhiều cựu học sinh từ bên ngoài và tại Việt ưa tổ chức về hội ngộ từng toán từng năm học với nhau. Thầy cũng chỉ cho tôi thấy tủ kiếng chứa nhiều T-shirts dùng để bán gây quỹ cho việc tương thân tương trợ hay liên lạc giữa các cựu học sinh với nhau. Tôi định bụng chốc nữa sẽ mua một hai chiếc T-sợt để làm kỷ niệm, nhưng một hồi lại quên.
Sau đó thầy dẫn tôi đi tham quan một vòng trường. Rất thoải mái vì hiện bãi trường mùa hè, trong các khu văn phòng và lớp học không có bóng người. Chỉ có một quầy rất nhỏ bán nước ngọt ở sân trường gần dãy lớp học bên phía trái. Trước khi đến phòng họp của ban giám hiệu, là một phòng giống như phòng 'hiệu đoàn' ngày xưa. Cửa khoá nên chỉ nhìn từ ngoài qua khung cửa kính. Trong đó có bức tượng Petrus Trương Vĩnh Ký, ngày trước đặt ở phía trước trường. Và rất nhiều hình ảnh cùng danh sách các cựu học sinh lỗi lạc của trường. Có hình một ông giáo sư y khoa Nguyễn Tấn Gi-Trọng từng dạy ở Hànội, học sinh cũ của trường Petrus Ký năm 1930 cùng thời với ông Trần Đại Nghĩa (học sinh Phạm Quang Lễ), Trần văn Lắm, và hình các ông Lưu Hữu Phước, Trần văn Khê, v.v.
Dãy hành lang nối liền phòng hiệu trưởng với phòng họp giáo sư (bây giờ gọi: giáo viên, để phân biệt với cấp đại học, theo kiểu Anh Mỹ), vẫn rộng rãi trang nghiêm như thuở nào. Tôi chợt để ý đến một cái trống thật to, treo trước phòng họp, và hỏi có phải cái trống thời xưa thật xưa đem ra để phô trương đồ cổ không. Thầy giải thích có dạo điện không đủ, bị cúp hoài nên phải xử dụng trống. Ngày nay rất ít khi dùng tới.
Chúng tôi đi ngang qua bực thềm dẫn vào lớp đệ Ngũ, lớp chúng tôi học năm nào. Bao nhiêu kỷ niệm xưa ào ạt trở về. Ở lớp đệ Ngũ, tôi nhớ nhất hai thầy Vinh và Tấn, và cô Khả. Thầy Vinh dạy Việt văn thật hay, gây nhiều ấn tượng cho tôi với lối văn xuôi qua bài giảng 'Nhành lúa mới': 'Tôi tới một miền quê kề bên một trận địa vào một buổi chiều hoe nắng cuối mùa. Ở đây cánh đồng loáng nước nằm dài, vắng bóng người nông phu cần mẫn. Nhìn vào thôn xóm, không một bóng người. Mái tranh xơ xác, khóm tre tiêu điều.... '. Hiện thầy Vinh cư ngụ tại , và vẫn làm việc hăng say trong tuổi đã về hưu. Vào dịp đầu năm thầy có thói quen khai bút, sáng tác lối thơ đọc ngược đọc xuôi vẫn thành thơ như thường, gửi tặng thân hữu và học trò gần xa. Thầy Tấn dạy vật lý cũng khá hay, đặc biệt về 'nhiệt học', về định lý Joule, hệ số dãn nở, v.v. Cô Khả dạy toán, cũng rất đặc sắc, về cách thức giải phương trình bậc nhất, và hình học mặt phẳng.
Nhìn ra chỗ chào cờ, vẫn thấy nơi ngày xưa các lớp thay phiên nhau ra hát bản quốc ca (của Lưu Hữu Phước), mỗi sáng trong tuần. Bây giờ cũng vậy, và một bục cao đang được xây dựng với vật liệu hiện đại hơn. Nhìn ra sân trường, tôi chợt để ý đến hàng cây phượng to cao chút vút, và chia sẻ với thầy Minh, ý tưởng chỉ có những cây phượng vĩ cổ thụ này mới chứng kiến được tất cả những đổi thay của xã hội và của trường nhà. Đời sống con người và học sinh bao thế hệ quá ngắn, cộng với bao bận rộn về đời sống và sinh kế, thường rất khó có thể ghi lại đầy đủ ‘toàn bộ’ chuyện thăng trầm của xã hội và của trường nhà. Đi ngang phòng bệnh xá năm xưa, tôi có nhắc đến thầy Y Tá của toàn trường, tôi chỉ nhớ mang máng họ Vương, người gốc phía Bắc, và được thầy Minh cho biết ông hiện sống bên Mỹ, khá lớn tuổi và mấy năm trước có về, ghé thăm trường. Nhìn dãy lầu xây lại hồi khoảng giữa thập niên 1960's nối liền hai dãy lớp học song song có từ trước, tôi nói dãy lầu này được xây lên trong lúc tôi còn học ở trường. Thầy Minh cho biết chính ông Kỳ, lúc đó làm Chủ tịch UBHPTU tặng trường cái quỹ xây cất dãy lầu đó. Cùng một lúc, ông cho trường Gia Long tiền để xây hồ tắm. Thầy Minh cũng cho biết hiện trường còn một vấn đề khá gay cấn. Đó là cái sân đá banh, bây giờ gọi 'bóng đá', năm xưa ở đường Trần Bình Trọng. Bên cạnh dải nhà trệt dùng làm trường Chu Văn An tạm thời, hồi mới di cư. Trường đã phải lóp-bi vận động rất nhiều năm mới xin lại được sân bóng đá này. Nhưng hiện không có tiền để xây dựng lại cho đâu ra đó, đàng hoàng, nên sân được bốn tấm vách bao bọc, cỏ mọc um tùm.
Qua phòng vệ sinh học trò là đến khu căng-tin, thư viện và phòng khánh tiết, văn nghệ của học sinh. Đó chính là Tổng-thư-viện quốc-gia năm xưa, nơi chúng tôi ưa vào học bài đi thi Tú Tài. Một thành tích đáng nhớ, bởi thông thường học sinh trung học ít khi dám vào một 'tổng thư viện' lớn như vậy. So với khoảng cuối thập niên 1950’s, trường học ngày nay rất rộng lớn, có đầy đủ tiện nghi cho học trò, không kém bất cứ một trường trung học nào ở Tây phương. Theo thống kê ở ngoài đường, tại Sàigòn ngày nay, tỉ số học sinh thi đậu vào Y Khoa và Kỹ Sư, từ chính trường Lê Hồng Phong tức Petrus Ký ngày trước, chiếm đến 80%. Và trường nhà là trường lớn nhất ở phía , so với Quốc Học tại Huế và Văn An ở Hànội.
Thầy trò đi về hướng cổng, ngày xưa chúng tôi đạp xe đạp vào nhà giữ, rồi ra đứng xếp hàng chờ đợi cho đến lúc mở cổng phía trong mới được vào. Tôi nhắc kỷ niệm này với ông thầy dạy toán, và ông nói thời của ông cũng vậy. Đặc biệt, lúc mở cửa cổng trong học trò bước vào trường đi ngang, và cúi đầu chào ông Hiệu trưởng, và giám học đã đứng sẵn đó, tươi cười chào đón học trò. Trăm ngày như một. Thầy Minh nói nhỏ với tôi có lẽ học trò Ba-lắc-ký học giỏi cũng ở chỗ đó. Ở chỗ có nhiều truyền thống và kỷ luật rất nghiêm minh. Ông cũng có nhắc đến những thầy hết sức khó ngày xưa, lúc nào cũng như sẵn sàng tặng học trò hai số 00 có đóng khung. Tôi nhắc đến thầy Mẫn dạy chúng tôi môn Công Dân cũng có một thói quen tương tợ.
Nhà giữ xe đạp hồi tôi theo học, được đổi thành sân quần vợt vào khoảng đầu thập niên 1970’s. Bây giờ chính là cái 'gym' thật to, không kém gì ở các nước tiên tiến. Thầy trò tôi bước vào. Có rất nhiều sân đánh vũ cầu, sân bóng rổ, bóng chuyền, đánh ping-pong, v.v. ở trong gym. Có khá đông thanh niên học sinh nam nữ chơi thể thao tại gym. Ít người nhận ra thầy Minh, bởi thầy đã hưu trí lâu rồi. Một trái banh chơi bóng rổ lăn về phía tôi. Tôi vội cuối xuống chụp lấy và ném trả banh về phía một hai em học sinh đang chạy đến.
Thầy trò thong thả bước ra khỏi nhà vận động rồi đi dần trở lại về phía hành lang nối liền văn phòng Hiệu Trưởng và phòng họp ban giám hiệu. Bây giờ hai chức vụ Giám Học và Tổng Giám Thị được nhập lại làm một, gọi Hiệu Phó. Thầy Minh cho biết trong vài năm cuối thập kỷ 1970, các chức vụ giám thị được bãi bỏ. Nhưng dần dà về sau đều phải tái xuất giang hồ, thiết lập trở lại. Thầy Minh và tôi cùng cười, nhớ tới câu nói, ‘nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò’. Chủ nghĩa nào xã hội nào cũng phải kiêng kị và chào thua trước học trò. Bởi ‘ học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau. Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao…’ , như một bài hát mang tựa ‘Học Sinh Hành Khúc’ do nhạc sĩ Lê Thương sáng tác cách đây đã hơn nửa thế kỉ.
Tới hành lang chính của trường, thầy trò ngồi xuống một trong nhiều chiếc băng đá, đặt hai bên hành lang. Có lẽ chỉ trừ những chiếc băng đá này, hành lang chính của trường vẫn y như ngày xưa. Vẫn rộng rãi và trang nghiêm. Đặc biệt, ở phần dựa lưng của từng băng đá, có sơn những hàng chữ cho biết do những hội đoàn nào đã tài trợ, tặng cho trường. Tôi chỉ nhớ có Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký tại Đức và Hội Phụ Huynh Học Sinh của trường. Tôi nhớ rất ít khi học sinh có dịp bén mảng đến hành lang chính này. Riêng tôi, chắc chừng 3-4 lần mà thôi, trong suốt 7 năm theo học trường này. Lần cuối là lúc lần đầu tiên trường tổ chức lễ phát thưởng cuối năm tại đây, dưới thời thầy Nguyễn Thanh Liêm làm hiệu trưởng. Sau nhiều năm làm ‘ké’ tại trường Sư Phạm gần đó. Thầy dạy toán đệ nhị Trần Thành Minh, với món tủ ‘Hình học không gian’, cho biết lễ phát thưởng vẫn còn tổ chức dài dài ở đây, bởi thính phòng dùng ‘tổng thư viện’ xưa, không đủ chỗ chứa. Lối kiến trúc của trường, theo thầy Minh, độc đáo ở chỗ hành lang này. Đứng tại hành lang, có thể nhìn thấy cả toàn trường. Có thể biết ngay lớp học nào thầy cô vắng mặt hay đến trễ, ở cái thời chưa có điện thoại nhiều, nhất là thứ điện thoại cầm tay.
Tôi lợi dụng thời gian ngắn ngủi còn lại để hỏi thầy Minh về những thầy cô năm xưa. Tin vui mới nhất, thầy Cam Duy Lễ và cô vừa đi tham quan một chuyến ở Mỹ mới về. Thầy Minh được học trò cũ bên Đức đãi đi tham quan Âu Châu trước sau hai bận. Cô Thiên Hương hiện sống tại Pháp, và cách đây vài tháng có đi Đức dự kỳ tái ngộ Petrus Ký do ở Âu Châu tổ chức. Thầy Nhạc, xưa dạy Lý Hoá, có thời làm Tổng Giám Thị, tuyệt tích giang hồ lâu năm. Thầy Lê Trọng Phỏng xưa dạy Sử Địa hiện bị đau ốm, không khoẻ. Thầy Phong, dạy Anh văn, hiện ở . Thầy Minh nhắc lại một thói quen cố hữu của thầy Phong: lúc nào trong túi quần của ông cũng có một quyển sách. Nhớ hôm dẫn học trò đi đón tổng thống Lí thừa Vãn của Đại Hàn dân quốc, thầy Phong đứng lùi về phía sau, lôi quyển sác h ra đọc. Tôi góp chuyện với thầy, nói hồi lộn xộn năm 1964, nghe người bạn kể gặp thầy Phong bị hốt lên xe thùng chở về tổng nha, anh bạn này thấy thầy tỉnh bơ, lên ngồi xe thùng như mọi sinh viên học sinh, rồi móc túi ra một quyển sách đọc say sưa. Thầy Minh cũng có nhắc đến thầy Phạm Mạnh Cương, và nói lúc thầy làm giám học, thầy Cương yêu cầu xin được dạy môn nhạc thay vì triết và sử địa, để bớt thì giờ soạn bài vì ông rất bận rộn. Thầy Phan Lưu Biên cũng còn khoẻ và vẫn ở Sàigòn. Thầy dạy Vạn vật về hưu ở Đà Lạt. Thầy bị tai biến não cách đây vài năm, nay đã đi đứng lại được. Hôm thầy Đảnh về, thúc giục thầy gắn chiếc điện thoại để liên lạc với thế giới bên ngoài dễ hơn, và thầy nghe theo. Thầy Đ ;ặng dạy môn ‘Vạn vật’ chúng tôi lớp đệ-thất hiện ở Mỹ. Ở tuổi hưu thầy Đặng đổi nghề và say mê nghiên cứu chữ Nôm, trong Viện Việt Học ở California, Hoa Kỳ. Thầy Nguyễn Kỉnh Đốc cho xuất bản một vài quyển sách về Anh ngữ, thỉnh thoảng vẫn gặp. Thầy Lập hiện ở Úc, đã về hưu mấy năm. Cách đây vài tháng nhóm học trò cũ thầy bên Mỹ cũng đãi thầy một chuyến đi Mỹ để reunion, nhưng thầy đi không được vì lý do sức khoẻ. Thầy Đính nhận Úc làm quê hương từ hồi 1975. Hiện thầy làm việc ‘lưu dụng’ cho chính phủ Liên Bang ở . Có năm thầy về thăm Việtnam, buổi chiều thầy đi đâu ghé ngang xin vào thăm trường. Ngoài giờ làm việc, trường không có ai, nên nhân viên gác cổng không dám cho vào. Thầy Nguyễn văn Thiện, về hưu cũng đã trên 10 năm, hiện cư ngụ tại căn phố ở góc đường nhìn sang ‘bồn binh’ gần trường. Chỗ quán cóc Hương, nơi tôi mời thầy dạy toán đệ nhị Trần Thành Minh, dùng bữa trưa hội ngộ, trước khi chia tay.
Tôi đặc biệt nhớ thầy Minh, có lẽ bởi hai lí do. Thứ nhất, năm đệ nhị tôi học thầy môn toán Hình học không gian, và được đứng ‘hạng nhứt’. Một tiến bộ vượt bực so với năm đệ Tam, gần như đội sổ gần như hầu hết các môn chính, kể cả toán, học với thầy Tuế. Thứ hai, dường như còn học sinh trường là còn có thầy. Nói theo thuyết nhà Phật tôi học lõm bõm đâu đó, thầy Minh có lẽ mang cái nghiệp gắn bó với trường Ba lắc Ký, lâu nhất và dai nhất so với bất cứ một cựu học sinh hay giáo sư nào. Trên trang mạng của trường xưa do thầy phụ trách hằng ngày, petruskylhp.org, người ta vẫn thấy câu đối quen thuộc của giáo sư Ưng Thiều, khắc ở cổng trường ngày xưa:
Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt