Tao phải bắt đầu từ đâu để viết vế mầy hả Nguyễn Minh Nhựt, một thằng bạn
chí thân từ 40 năm qua của lớp Đệ Thất 1 Niên khoá 1964 – 1971 Trường
Petrus Trương Vĩnh Ký.
Trong vùng ký ức xa xôi của quá khứ nhạt nhoà chợt hiện ra một thằng học
sinh rất đẹp trai với cặp mắt to sắc sảo, mủi cao, thẳng và cái miệng lúc
nào cũng như muốn cười với cái nốt ruồi “ăn hàng” gần khoé miệng. Bộ đồng
phục quần dài xanh, áo trắng đôi giày bata trắng với sợi dây nịch dài quá
khổ của người lớn mà mầy cố tình để lòng thòng một cách khoái trá như thanh
kiếm đeo xề xệ cạnh sườn của võ sỉ SAMURAI. Có lẽ nhờ cùng chiều cao trung
bình nên tao và mầy được xếp ngồi gần nhau và dần quen nhau. Những chiếc
bánh da lợn, khoai mì ăn đám giỗ ông bà một trong hai đứa được trao vội vã
vào giờ chơi, những gói đậu phộng, kẹo me lén lút đưa dưới gầm bàn trong
giờ học và những đồng cảm trong quan niệm sống đã dần dần gắn kết hai thằng
tự lúc nào. Mày bảo thích tao ở tánh thành thật, ân cần. Tao lại thích mầy
ở chổ hiền lành và tếu rất có duyên. Tao nhớ có lần ở một quán ăn trên
đưòng Nguyễn Tri Phương, trong tiệc mừng thi đậu Tú Tài 1 của lớp, một tên
trong bọn nghĩ ra tối kiến thi uống bia nhanh được thưởng. Thế là mấy chục
thằng tha hồ la hét cổ vũ cho các “nhẩm tửu viên” đua nhau nốc đến mỏi
miệng. Sau đó tao nghe mầy phán một câu: “Tụi bây đứa nào cũng cười tươi
nhưng tao thấy chỉ có ông chủ quán là cười tươi nhất”. Tao khoái cái máu
tếu có duyên, cái nhận xét hóm hỉnh mà chí lý của mầy là thế đó Nhựt.
Học chung với mầy đến hết năm lớp 10 thì mình chia tay vì trong năm đó mầy
đã ra ngoài học nhảy lớp 11 và cưối cùng thi đậu Tú Tài 1. Tựu trường tao
lên lớp 11 thì mầy đã xin trở lại trường và học lớp 12. Hai năm sau hai đứa
gặp nhau ở ĐHKH. Tao nhớ có lần mầy đã vui vẻ giới thiệu với tao cô sinh
viên người yêu của mầy. Đúng là thằng có mắt tinh đời. Ánh Ngà có làn da
trắng mịn như tuyết, dáng người nhỏ nhắn thuỳ mị, máy tóc thề đen óng chấm
vai, mắt to hơi ứơc, mũi dọc dừa, miệng nhỏ, môi hồng và giọng nói rất êm,
toát lên một nét quí phái của cung đình. Ấn tượng đầu tiên của tao sau đó
đã được xác minh là đúng, cô tao quê ở Huế.
Năm 1972, mầy lên đường sang Đức du học. Hình như rất ít thằng biết được
nỗi buồn của mầy vì gia đình của Ngà không có ý định cho cô ra nước ngoài
nên đã kiên quyết ngăn cấm cô ta liên lạc với mầy. Ôi, còn nỗi buồn nào hơn
khi cùng lúc phải xa lìa quê hương, gia đình, bạn bè và cả người yêu không
hẹn ngày trở lại.
Năm 1974 tao nhận được thư kèm hai tấm hình của mầy, đẹp trai, lực lưỡng và
yêu đời. Một tấm hình mầy ngồi trên thuyền cao su thể thao màu xanh biển
với chiếc dầm bơi màu đỏ nổi bật trên làn nước, một tấm hình mầy đang đứng
trong công viên, tựa người, hai khuỷ tay tì vào lan can, gần đó một cụ già
đang ngồi trầm tư trên ghế đá. Sau lưng tấm ảnh mầy viết: “sau này khi tao
xong chuyện nước non, ước gì mình sẽ như cụ già này Thiền nhỉ”.
Sau năm 1975 tao chỉ đựoc tin mầy qua gia đình và đến năm 1982 thì gia đình
mầy rời Việt Nam do mầy bảo lãnh. Từ đó, thỉnh thoảng tao nhận được tin mầy
qua các chị Nguyệt, Mỹ, Nga của mầy. Đến năm 1966, khoảng gần Tết Âm lịch,
đang lúc ngồi lựa cá kiểng để bán thì anh Tám Khâm của tao đi vào và nói:
“Thiền mầy có bạn đến thăm kìa”. Tao quay ra và không thể tin được người đó
là mầy. Trước mặt tao là một người đầu hói, gầy nhom, chỉ còn nụ cười, cái
nốt ruồi đặc biệt và giọng nói là quen thuộc: “Ê, mầy nhận ra tao là … ai
không?”. Nhựt ơi, cả khi mầy thành tro bụi tao vẫn không quên mầy đâu. Một
thằng đã mường tượng ra từng thằng và viết được tên họ cùng chữ lót của 55
thằng Đệ Thất 1 ngày nào theo đúng thứ tự alphabet như tao sau gần 40 năm
xa cách thì làm sao quên được thằng bạn thân như mầy. Lần đó, vì mầy ở với
gia đình ngưòi bạn đang hợp tác lao động bên Đức nên tao và Ngân ít gặp và
không được nghe mầy tâm sự nhiều. Lần thứ hai mầy về năm 1999 và ở nhà tao
ăn Tết. Tao được nghe nhiều chuyện buồn mầy kể mà theo suy đoán của tao
buồn nhất đó là chuyện cả gia đình mầy trên chuyến bay từ Việt Nam sang Đức
do mầy bảo lãnh đã gặp và nhận ra Ánh Ngà cũng cùng đáp chuyến bay nhưng
sang Pháp để đoàn tụ cùng chồng. Trớ trêu ở chổ gia đình người yêu ngăn cấm
không cho liên hệ với một sinh viên du học để rồi người yêu cũng lại lấy
chồng xứ người. Tao nghe giọng kể hơi nghèn nghẹn và chợt hiểu ra nguyên
nhân nghiền rượu và sống độc thân của mầy. Nhiều lần tao đã gặp mầy mân mê
sợi dây đeo đồng hồ bằng da củ mèm và nói rằng đó là quà tặng của Ánh Ngà
hồi còn ở Việt Nam. Phải chăng vì thế đêm nào mầy cũng độc ẩm một mình trên
gác, mỗi đêm uống cạn cả chai rượu mạnh ½ lít (loại bỏ túi) trong cái va ly
đầy rượu mang về dù bác sĩ đã ngăn cấm do bệnh gan của mầy.
Tao có thằng bạn quả chung tình!
Lần nào về Việt Nam mầy cũng dò hỏi tin tức và tính cách giúp đở bạn bè.
Thằn được mắc cho cái điện thoại, thằng được giúp cho chiếc xe gắn máy, đứa
dược trợ vốn để làm ăn. Các con cái của bạn bè cũng được mầy trợ cáp tiền
quà bánh, sách vở, học phí hàng tháng với những số tiền không nhỏ thay vì
dùng nó vào việc hưởng thụ ăn chơi như bao người khác. Và càng thương hơn
khi biết mầy đã dành dụm số tiền đó bằng cách ăn tiêu thết dè xẻn, thậm chí
phải thuê phòng ở tầng hầm thiếu tiện nghi để lấy tiền giúp đở bạn bè. Tao
nhớ rất rõ nhiều lần mầy đã nói trước anh em: “Tao biết tụi bây hiện giờ
nhiều thằng còn khó khăn. Tao sẽ cố gắng hết sức đưa vài đứa con tụi bây ra
nứơc ngoài du học. Khi thành tài tụi nó làm có tiền sẽ hoàn lại để tao có
điều kiện lo cho đám đàn em của tụi nó. Noi theo cách làm của tao lần lược
con em của Cựu Học Sinh Petrus Ký tụi mình sẽ theo đó thành tài ngày càng
đông và trở về xây dựng quê hương, làm rãng danh cha chú”. Tao hiểu ý mầy
khi đề cập đến một nền giáo dục chưa hợp lý giữa lý thuyết và thực hành,
giữa đào tạo và sử dụng người, trong hiện tại cũng như trong quá khứ. Có
lần mẩy kể chuyện trước năm 1972, anh một thằng bạn của mầy tốt nghiệp kỹ
sư luyện kim Đại Học Hoàng Gia Anh Quốc khi về nước được đưa về ngồi ở bộ
Kinh Tế (chế độ cũ Sài Gòn) khâu giám định và cấp nhãn hiệu cầu chứng mà
sản phẫm tốt xấu tuỳ theo độ dày mỏng của “phong bao” kèm theo hồ sơ. Một
chiếc xe đạp của chú Ba (Tàu), MADE IN CHOLON có thể bị gãy cổ quăng ngừi
cỡi xuống đưòng nếu lỡ sụp ổ gà vẫn được cấp giấy đạt tiêu chuẩn nếu sếp
gật đầu. Rồi đến anh Hoà, một kỹ sư hàng không nước ngoài cũng chẳng biết
làm gì khi về nước. Hoặc như Nguyễn Xuân Vinh, người đã vẽ quỹ đạo cho
chương trình phóng phi thuyền Apollo v.v…
Nhựt ơi, hoài bão của mầy tao rất tôn trọng vì mầy là thằng dám nói, dám
làm. Lúc đó mầy bảo là đang xúc tiến lo cho con thằng Long, thằng Tấn và kế
tiếp là con thằng Thành du học với mỗi suất hàng chục ngàn đô la. Thật tình
tao không dám ngăn nhưng cũng không tin tưởng lắm về hiệu quả việc này. Ở
phương trời tự do của Tây phương liệu những ràng buộc tinh thần vì một lời
hứa của bậc làm cha mẹ với nhau có được các con thực hiệu hay không?. Vài
cánh én không thể tạo được mùa xuân nhưng ít ra mùa xuân cũng còn cánh én.
Vậy mà chua xót thay, một trong những cánh én tiêu biểu của tình đồng môn,
tình đoàn kết tương trợ giữa Cựu Học sinh Petrus Ký đã không còn nữa. Với
cõi đời mênh mông phù phiếm nầy việc mầy làm có thể được xem như “un peu
soleil dans l’eau froid” nhưng với riệng tao và lớp Đệ Thất 1 tụi mình đó
là ngọn lửa bất diệt của tình bạn cháy rực sáng ngời. Đau đớn thay người
thắp lên ngọn lửa giờ đã mất. Mầy đã vĩnh viễn ra đi ngày 18/3/2002 qua
email của chị Nguyệt gởi về trước ngày 19/3 là sinh nhật lần thứ 50 của
mình. Tao không ngờ bữa cơm chiều trước giờ đưa mầy ra phi trường TSN đầu
năm 2001 là lần cưối còn được gặp mầy. Tao nhớ như in ánh mắt mầy lúc buông
đủa chuẩn bị xách va ly ra xe. Trong ánh mắt ấy có gì đau buồn của một
người sắp lìa bỏ không gian ấm cúng hạnh phúc để bước vào cô đơn và giá
lạnh. Tao cũng không ngờ 4 giờ chiều 31/12/2001 là lần cuối cùng được nghe
giọng nói của mầy. Lúc đó, chị Nguỵêt đang du lịch ở Sài Gòn và thường
xuyên liên lạc với tao. Mầy nhờ tao nhắn dùm với chị là hãy vui chơi thoải
mái vì Ba mầy đã khoẻ và mầy đang chăm sóc ông cụ cùng với chị Mỹ. Tao có
hỏi sao nghe giọng nói của mầy nghẹt nghẹt như bị cảm. Mầy bảo chắc do mất
ngủ đã lâu. Sau đó mầy còn hỏi xem tao muốn nói chuyện với ai trước: Ba mầy
hay chị Mỹ. Sau này tao mới biết qua ngày hôm sau 01/01/2002 mầy đã bị hôn
mê và đưa vào bệnh viện. Những tin tức về sức khoẻ của mầy xấu dần, nàolà
phải có người đút cơm, dau tập đọc, tập viết như đứa bé lên 5 nhưng tụi tao
vẫn hi vọng rồi mầy sẽ khỏi, cùng lắm là ngồi xe lăn mà thôi. Nào ngờ số
mầy bạc quá! Một thằng luôn nghỉ đến bạn bè nhưng khi lâm bệnh đến lúc lìa
đời chẳng có thằng nào đến được bên giường để thăm viếng hay thắp một nén
hương trên mộ. Kể ra thằng Đoàn Văn Nhựt (Bến Tre) có phúc hơn mầy. Lúc
bệnh hoạn được anh em trong và ngoài nước viếng thăm, tích cực giúp đở (à
chuyến đó chính mầy tổ chức chứ ai). Tình cảm ấy đã được gia đình nó cảm
kích đến ổi hôm cúng 49 ngày của nó tụi tao xuống dự và vô cùng xúc động
khi đọc dòng chữ cuối bia mộ: “Bằng hữu và hiền thê lập mộ”. Cả đời tao
chưa bao giờ nhìn thấy dòng chữ này ở bất cứ nghĩa trang nào. Xưa nay cũng
có nhiều câu chuyện cảm động về tình bạn bè đồng môn của đàn anh đàn em,
của bạn bè cùng niên khoá, giờ đây lại có thêm chuyện của mầy và thằng Nhựt
Bến Tre ở lớp mình.
Việt Nam tự hào với những danh nhân mà thế giới biết tiếng như Trần Hưng
Đạo, Nguyễn Trãi, và Nguyễn Huệ. Mong sao vấn đề công tội của Petrus Trương
Vĩnh Ký, một trong mười tám nhà bác học thế kỷ 19 sẽ được ngã ngũ để cụ
được mĩm cười nơi chín suối và các cựu học sinh qua bao thời đại sẽ mãi mãi
hãnh diện vì đã đựoc rèn luyện và thành danh dưới mái trường mang tên
người. Tiếc rằng ngày đó không có mầy, một thằng bạn để lại nhiều kỷ niệm
sâu đậm trong lòng bạn bè lớp Đệ Thất 1 nói riêng và cựu học sinh niên khoá
1964 – 1971 nói chung.
Điều tao có thể làm được và xin hứa trước vong linh mầy là sẽ cúng giỗ hàng
năm cho mầy và dặn dò con cái sau nầy tiếp tục ngay cả khi tao đã qua đời
vì:
“Ba đã có một người bạn như thế đó”
(Một buổi chiều cuối Đông năm 2004, viết cho một thằng bạn chí thân đã mất)
NGUYỄN NGỌC THIỀN
Cựu học sinh lớp Đệ Thất 1 NK 64 - 71